Vườm ươm doanh nghiệp: Những vấn đề đặt ra về phương diện lý thuyết

Tóm tắt

  • Mục tiêu: Đánh giá các lý thuyết có liên quan đến sự thành công của mô hình vườn ươm doanh nghiệp và vận dụng mô hình học tập tình huống để nhận dạng cách thức mà hoạt động ươm tạo doanh nghiệp có thể hình thành một môi trường hỗ trợ sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp được ươm tạo.
  • Phương pháp: sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp (meta analysis) để đánh giá và tóm lược các lý thuyết có liên quan.
  • Phát hiện: Các lý thuyết liên quan đến hiệu quả của hoạt động ươm mầm doanh nghiệp còn nhiều thiếu sót chẳng hạn như chưa thống nhất về các chỉ tiêu đo lường hiệu quả, thiếu khung phân tích, phần lớn các nghiên cứu chỉ dừng lại ở nghiên cứu mô tả và khám phá. Việc công nhận tầm quan trọng của các nhân tố vô hình trong hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, vài trò của hoạt động quản trị ươm mầm kinh doanh với góc độ điều phối và tối ưu hóa những nhân tố nêu trên tương thích với việc sử dụng lý thuyết học tập tình huống để đề xuất các nghiên cứu trong tương lai..
  • Giá trị mang lại: Góp phần thúc đẩy các nghiên cứu tiếp theo để xây dựng lý thuyết và khung phân tích mối quan hệ giữa hoạt động ươm mầm kinh doanh với môi trường thúc đẩy khởi nghiệp và sự phát triển của doanh nghiệp sau khi trưởng thành từ vườn ươm.
  • Các thuật ngữ chủ yếu: Hiệu quả của hoạt động ươm mầm kinh doanh, quản trị hoạt động ươm mầm kinh doanh, kết quả của ươm mầm kinh doanh, các nhân tố quyết định thành công của vườn ươm, lý thuyết học tập tình huống.
  • Loại bài viết: Tóm lược lý thuyết

Giới thiệu

Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có vai trò quan trọng trong việc tạo ra những cải tiến, môi trường cạnh tranh, và việc làm trong nền kinh tế. Ngay cả tại Hoa kỳ, bên cạnh một quốc gia lớn trên thế giới với nhiều công ty đa quốc gia có quy mô lớn và lợi thế cạnh tranh cao thì sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ cũng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước này trên nhiều phương diện: chúng đóng góp rất lớn và những đổi mới như tạo ra số lượng các bằng phát minh sáng chế tính trên một lao động cao gấp 13 lần so với các doanh nghiệp có quy môn lớn; những doanh nghiệp có tuổi đời từ 5 năm trở lại đã tạo ra khoảng 40 triệu công việc trong gần 25 năm vừa qua và chiến 20% trong tổng số lao động được tạo ra tại Hoa Kỳ trong khoảng thời gian nêu trên (Acs, Parsons, và Tracy, 2008). Chính vì thế việc tạo ra những điều kiện thuận tiện cho sự hình thành và phát triển những doanh nghiệp nhỏ là một vấn đề được lưu ý trong những năm gần đây (Lewiset al., 2011). Một trong những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ có cơ hội ra đời, được nuôi dưỡng, và phát triển chính là việc hình thành nên những vườn ươm doanh nghiệp (McAdam and Marlow, 2007; Dee et al., 2011). Từ một Vườn ươm doanh nghiệp đầu tiên ra đời tại Trung tâm công nghiệp Batavia của Hoa Kỳ đời vào năm 1959, cho đến nay đã có rất nhiều vườn ươm được hình thành tại nhiều quốc gia trên thế giới (UKBI, 2012). Sự phát triển nhanh chóng của hình thức này phần nào do nhiều nghiên cứu đã phát hiện được mối quan hệ giữa vườn ươm doanh nghiệp đóng vai trò là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế (Lee and Osteryoung, 2004; Peters et al., 2004; Bergek and Norrman, 2008). Mặc dù có sự đồng thuận về vai trò của vườm ươm trong việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ từ đó thúc đẩy sự phát tiển kinh tế nhưng nhiều vấn đề liên quan đến vườn ươm vẫn còn đang tranh luận chẳng hạn như những nhân tố nào tạo sự thành công của các vườn ươm hay mức độ hỗ trợ từ vườm ươn doanh nghiệp như thế nào?. Xuất phát từ đó, việc tóm lược có phân tích những lý thuyết về vườn ươm doanh nghiệp nhằm định hướng phát triển các mô hình vườn ươm doanh nghiệp thành công cần được đặt ra và giải quyết trong bài viết này.

  1. Hiệu quả của vườn ươm doanh nghiệp

Khái niệm về vườn ươm doanh nghiệp

Khi xem xét về vườn ươm, có hai cách tiếp cận khác nhau về khái này. Dưới góc nhìn học thuật, sự phát triển và các yếu tố trong quy trình phát triển của vườn ươm được tập trung xem xét (Hugheset al., 2007; Ascigil and Magner, 2009), trong khi đó những tổ chức phi chính phủ được thành lập để phát triển các vườn ươm lại chú trọng vào vai trò của những đơn vị tổ chức ươm mầm cho doanh nghiệp và những tác động tích cực của chúng trong việc hình thành những doanh nghiệp vừa khởi sự (start-up) kinh doanh (Dee et al., 2011). Từ hai góc nhìn này, có rất nhiều định nghĩa khác nhau được đưa ra liên quan đến các khái niệm như ươm mầm kinh doanh (business incubation), đơn vị ươm mầm (incubator) và đơn vị được ươm (incubatee). Ươm mầm kinh doanh là một hoạt động được triển khai bởi những đơn vị ươm mầm nhằm giúp cho những người có khát vọng kinh doanh hoặc vừa khởi sự kinh doanh (incubatee) các điều kiện cần thiết để tồn tại trong giai đoạn ban đầu hay gia đoạn khởi sự. Các đơn vị ươm mầm kinh doanh có thể cung cấp các hỗ trợ về cơ sở vật chất và các dịch vụ thiết yếu giúp tăng nhằm tăng khả năng sống còn và phát triển sau đó của những doanh nghiệp vừa ra đời. Bên cạnh hai góc nhìn nêu trên, nhiều tác giả còn đưa ra những khái niệm khác có liên quan đến hoạt động ươm tạo các doanh nghiệp như công viên nghiên cứu (Kang, 2004), công viên khoa học (Hansson, 2007; Squicciarini, 2009), công viên công nghiệp (Autio and Klofsten, 1998), trung tâm đổi mới (Reid và Garnsey, 1997), và công viên tri thức (Bugliarello, 1998). Tất cả những thuật ngữ này đều đề cập đến vườn ươm doanh nghiệp nhưng nhấn mạnh đến những khía cạnh khác nhau. Xuất phát từ sự đa dạng của các thuật ngữ cũng như những vấn đề trọng tâm được nhấn mạnh trong các thuật ngữ này, nhiều định nghĩa khác nhau về vườn ươm doanh nghiệp được đưa ra. Tất cả những định nghĩa đó được đề cập trong biểu 1 bên dưới

Biểu 1: Các định nghĩa về vườn ươm doanh nghiệp

Các tác giả Định nghĩa
Plosila và Allen (1985) Vườn ươm cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ là đơn vị hỗ trợ trong giai đoạn phát triển ban đầu của các doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận.
Allen and Rahman (1985) Vườn ươm cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ là đơn vị giúp cho các doanh nghiệp vừa khởi sự có  sự tăng trưởng ban đầu thông qua việc cung cấp không gian làm việc, các văn phòng sử dụng chung, và hỗ trợ tư vấn kinh doanh.
Albert (1986) Vườn ươm doanh nghiệp là không gian tạm thời và có tính tập thể cho những doanh nghiệp được hỗ trợ, nó cung cấp nơi làm việc, các hỗ trợ, và các dịch vụ thích hợp với các nhu cầu của các doanh nghiệp vừa mới khởi sự.
Smilor và Gill (1986) Vườn ươm doanh nghiệp tìm kiếm mối quan hệ liên kết các tài năng, vốn, công nghệ, và bí quyết để thúc đẩy những tài năng kinh doanh và tăng tốc phát triển các doanh nghiệp mới.
Allen và Bazan (1990) Vườm ươm doanh nghiệp là một mạng lưới tương tác hay một tổ chức cung cấp các kỹ năng, kiến thức, sự đổi mới, các kinh nghiệm có giá trị, và các dịch vụ chung cho những doanh nghiệp vừa khởi sự.
Allen và  McCluskey (1990) Vườn ươm doanh nghiệp là đơn vị cung cấp các không gian làm việc, các dịch vụ văn phòng và kinh doanh sử dụng chung các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh trong một môi trường thức đẩy việc hình thành các dự án sáng tạo, khởi sự kinh doanh và tồn tại, và phát triển trong giai đoạn ban đầu của doanh nghiệp vừa khởi sự.
Hackett và Dilts (2004) Vườn ươm doanh nghiệp là nơi chia sẻ các không gian làm việc nhằm cung cấp cho các đơn vị được ươm một hệ thống các hỗ  trợ liên quan đến kinh doanh và quản lý.
Hughes và các cộng sự.(2007) Vườn ươm doanh nghiệp là nơi nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ vừa mới ra đời nhằm giúp những đơn vị này trở thành những đơn vị kinh doanh có tính cạnh tranh.
Eshun (2009) Vườn ươm doanh nghiệp là một môi trường được hình thành chính thức nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của những doanh nghiệp mới hình thành thông qua việc cải thiện các cơ hội tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển và thương mại hóa các sản phẩm, công nghệ, và mô hình kinh doanh mới. Hoạt động ươm mầm kinh doanh cũng là một quá trình có tính xã hội và quản trị.
Hiệp hội vườn ươm quốc gia Hoa Kỳ

(NBIA, 2010)

Hoạt động ươm mầm kinh doanh là một quá trình hỗ trợ kinh doanh nhằm thúc đẩy sự phát triển thành công của các đơn vị vừa khởi sự kinh doanh và thiếu kinh nghiệm bằng cách cung cấp cho người chủ các dịch vụ và nguồn lực theo một định hướng mục tiêu rõ ràng. Những dịch vụ này được phát triển hay được phối hợp nhịp nhàng bởi những nhà quản trị vườn ươm và được cung cấp bởi vườn ươm và hệ thống mạng lưới đối tác hỗ trợ cho vườn ươm. Mục tiêu của vườn ươm doanh nghiệp  là tạo ra những doanh nghiệp thành công sau khi rời khỏi vườn ươm và tự đứng vững. Những doanh nghiệp sau khi “tốt nghiệp” khỏi vườn ươm có khả năng tạo ra việc làm cho người lao động, đem lại sức sống mới cho địa phương, thương mại hóa các công nghệ mới, và tăng cường sức mạnh cho kinh tế địa phương và cộng đồng.

Các giai đoan phát triển của vườn ươm doanh nghiệp

Bất kể sự đa dạng của các định nghĩa nêu trên, xét theo thời gian có thể chia quá trình phát triển khái niệm vườn ươm doanh nghiệp thành ba giai đoạn với các trọng tâm nhấn mạnh khác nhau (Theodorakopoulos, Kakabadse, và McGowan, 2014). Giai đoạn phát triển sau tích hợp thêm các hoạt động hỗ trợ so với giai đoạn trước. Các giai đoạn đó như sau

  • Giai đoạn 1 (1980-1990): Chia sẻ không gian và các phương tiện làm việc chung.
  • Giai đoạn 2: Chia sẻ không gian, các phương tiên làm việc chung, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, các dịch vụ tư vấn, và kết nối doanh nghiệp mới khởi sự vào mạng lưới tương tác.
  • Giai đoạn 3: Chia sẻ không gian, các phương tiên làm việc chung, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, các dịch vụ tư vấn, kết nối doanh nghiệp mới khởi sự vào mạng lưới tương tác, thực hiện hỗ trợ chủ động, giám sát và huấn luyện, thúc đẩy kinh doanh, và phát triển mạng lưới tương tác.
  1. Đánh giá hiệu quả của vườn ươm doanh nghiệp

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng rất nhiều tiêu thức khác nhau để đánh giá hiệu quả của vườn ươm doanh nghiệp như “tỷ suất sử dụng”, “số lượng công việc được tạo ra” và “số lượng doanh nghiệp trưởng thành từ vườm ươm” (Allen và McCluskey, 1990); Philips (2002) sử dụng ba tiêu chí nêu trên nhưng bổ sung thêm “doanh số chủ sở hữu” và “số lượng bằng phát minh-sáng chế bình quân cho mỗi doanh nghiệp xuất phát từ vườn ươm”. Sau đó Chan and Lau (2005) đề xuất 9 tiêu chí đánh giá hiệu quả vườn ươm: “lợi thế từ việc hợp nhất nguồn lực”, “chia sẻ nguồn lực”, “các dịch vụ tư vấn”, “có hình ảnh tích cực hơn từ góc nhìn của công chúng”, “lợi thế của mạng tương tác”, “tác động cụm”, “tính gần gũi về phương điện địa lý”, “các khoản trợ cấp về chi phí ban đầu”, và “hỗ trợ tài trợ”. Sự khác biệt trong các tiêu chí đo lường hiệu quả của vườn ươm doanh nghiệp xuất phát từ mối quan tâm của các đối tượng hữu quan khác nhau (Hannon và Chaplin, 2003). Ví dụ giám đốc các vườm ươm trực thuộc các trường đại học quan tâm đến tỷ lệ sống còn của các doanh nghiệp được ươm, nhưng lãnh đạo của trường có thể quan tâm đến tỷ lệ lao động là sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các doanh nghiệp trưởng thành từ vườn ươm. Trên cơ sở tóm lược và phân tích các tiêu thức đo lường hiệu quả của vườn ươm, Theodorakopoulos và các cộng sự (2014) đã phân các tiêu thức này thành 6 nhóm chính: (1) tỷ lệ doanh nghiệp mới sử dụng vườn ươm so với tổng số doanh nghiệp; (2) không gian của vườn ươm; (3) Tỷ lệ doanh nghiệp “tốt nghiệp” từ vườn ươm; (4) Mức độ tài trợ nhận được của vườn ươm; (5) tăng trưởng doanh số của các doanh nghiệp sau khi rời khỏi vườn ươm; và (6) tỷ lệ tăng việc làm tạo ra từ vườn ươm.

  1. Các nhân tố quyết định sự thành công của việc ươm tạo doanh nghiệp.

Các nhà nghiên cứu có góc nhìn khác nhau về nhân tố quyết định sựthành công của vườn ươm doanh nghiệp xuất phát từ chỗ họ chưa thống nhất về định nghĩa của sự thành công đối với một vườn ươm. Lumpkin và Ireland (1988) cho rằng sự thành công được đánh giá dựa trên những nhân tố thiết yếu duy trì sự sống còn và phát triển của doanh nghiêp sau khi ươm. Dựa trên định nghĩa này, Smilor and Gill (1986) đã nêu ra 10 nhân tố quyết định sự thành công của hoạt động ươm tạo doanh nghiệp. Chúng bao gồm: (1) năng lực của bản thân đơn vị kinh doanh; (2) khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính và vốn; (3) các hỗ trợ tài chính của những nhà đầu tư thiên thần; (4) sự ủng hộ từ cộng đồng; (5) hệ thống mạng tương tác của những nghiệp chủ; (6) trình độ văn hóa của nghiệp chủ; (7) cảm nhận về sự thành công; (8) quy trình lựa chọn những đơn vị được ươm tạo; (9) mối liên kết với các trường đại học và những chương trình đào tạo thích hợp của những đơn vị này; (10) các quy trình và những cột mốc quan trọng trong quá trình ươm tạo. Những phát hiện từ nghiên cứu của hai tác giả nêu trên được sử dụng cho các nghiên cứu về sau nhằm kiểm định, bổ sung, và hiệu chỉnh. Một số nghiên cứu khác đã bổ sung thêm những nhân tố quyết định sự thành công bao gồm: (11) các mục tiêu và sứ mệnh rõ ràng; (12) khả năng giám sát kết quả hoạt động của các doanh nghiệp được ươm; (13) các quy trình thẩm định doanh nghiệp “tốt nghiệp” hay buộc phải rời khỏi vườn ươm; (14) sự gần gũi của vườn ươm với các trường đại học; (14) Số lượng và chất lượng của các hỗ trợ quản trị; (15) khả năng tiếp cận mạng lưới của các nghiệp chủ; (16) năng lực của  đội ngũ quản lý vườn ươm trong việc định hình môi trường ươm tạo và thiết lập mối quan hệ cho các doanh nghiệp tham gia vườn ươm.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra tùy theo ngữ cảnh, các yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động ươm tạo không phải lúc nào cũng có tính nhất quán, một số yếu tố rất quan trọng cho sự thành công của vườn ươm này nhưng chưa hẳn tạo sự thành công cho vườn ươm khác, và không phải một vườn ươm thành công nào cũng gắn kết với tất cả các nhân tố nêu trên. Tuy nhiên kết quả từ các nghiên cứu cho thấy có một sự chuyển dịch rất lớn của các vườn ươm từ chỗ cung cấp các phương tiện vật chất và tài sản hữu hình sang các quy trình phát triển kinh doanh cũng như các tài sản vô hình cho doanh nghiệp được ươm tạo (Dee và các cộng sự, 2011). Thật vậy, các mô hình cung cấp các nguồn lực hữu hình rất dễ dàng được sao chép nhưng việc cung cấp các tài sản vô hình -chẳng hạn như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và mạng lưới mối quan hệ, các bí quyết trong quản trị, và tiếp cận các nguồn lực con người, thông tin – thì mang tính chất đặc thù rất khó bắt chước.

Mặt khác, việc tóm lược các lý thuyết cho thấy có rất ít các nghiên cứu quan tâm đến việc xây dựng lý thuyết trong lĩnh vực ươm tạo doanh nghiệp mà phần lớn các nghiên cứu chỉ tập trung vào dạng mô tả và khám phá bản chất của hoạt động này (Hackett and Dilts, 2004, 2008). Vì thế, bất kể những nỗ lực nhằm xây dựng khung nghiên cứu để khảo sát mối quan hệ giữa ươm tạo doanh nghiệp với quá trình phát triển các doanh nghiệm được ươm vẫn còn những khe hở cho những nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề như “tại sao” và “như thế nào” liên quan đến sự tăng trưởng của những doanh nghiệp được ươm trong môi trường của các vườn ươm xét theo cả hai khía cạnh môi trường và thời gian.

  1. Làm thế nào để phát triển hoạt động ươm tạo doanh nghiệp

Lý thuyết học tập theo tình huống (SLT: Situated Learning Theory) cho rằng hhọc tập và phát triển tinh thần kinh doanh diễn ra từ thực tế của cộng đồng. Điều này có nghĩa các nhu cầu chưa hẳn đã tạo ra sự cần thiết cho học tập mà chính môi trường sẽ thúc ép việc học tập có hiệu quả và hiệu suất hơn (Wenger, 2012). Liên quan đến hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, Theodorakopoulos và các cộng sự (2014) đã khảo sát nỗ lực của các tổ chức trung gian trong việc tạo ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển kinh doanh thông qua việc tạo nên một cộng đồng khuyến khuyến và đề cao kinh doanh. Hoạt động học tập và phát triển kinh doanh, nhằm thúc đẩy việc tiếp cận và sở hữu các nguồn lực về vốn xã hội và tài chính cũng như con người trong một cộng đồng đề cao sự phát triển các nhà khởi nghiệp, chịu tác động lớn bởi ba yếu tố: sức mạnh từ cộng đồng, ranh giới giữa cộng đồng kinh doanh với các cộng đồng khác trong xã hội, và sự công nhận có tính lành mạnh của cộng đồng.

Sức mạnh của cộng đồng để cập đến mức độ cam kết của các thành viên trong cộng đồng tham gia và tiến hành các hoạt động vì mục đích chung chẳng hạn như việc hình thành và phát triển các đơn vị kinh doanh. Mặc dù các thành viên có sự cam kết cao nhưng để cho sự hợp lực có hiệu quả thì vai trò của các tổ chức trung gian rất quan trọng trong việc tạo sự gắn kết giữa các thành viên. Trong lĩnh vực phát triển tinh thần khởi nghiệp, các vườn ươm đóng vai trò trung gian này. Vì vậy hoạt động quản trị ươm tạo doanh nghiệp hướng đến việc phát triển năng lực khởi nghiệp kinh doanh của nhà khởi nghiệp được ươm – liên quan đến việc tiếp cận, thúc đẩy, và sử dụng các nguồn vốn xã hội, tài chính, và con người – phải bao hàm việc nuôi dưỡng tinh thần hướng về phát triển khởi nghiệp kinh doanh của cộng đồng. Để làm được điều này, các vườn ươm doanh nghiệp với vai trò trung gian của mình cần phải tạo một cấu trúc cân bằng giữa các thành viên, tổ chức các sự kiện để tập hợp các nhà khởi nghiệp và các đối tác hữu quan ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ và hỗ trợ cho hoạt động ươm tạo doanh nghiệp.

Sự công nhận mạnh của cộng đồng thường song hành với việc phát triển năng lực của nhà khởi nghiệp. Nó là một trải nghiệm sống động về cảm nhận thuộc về cộng đồng khuyến khích phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp được ươm tạo. Theo Theodorakopoulos (2014), sự công nhận của công đồng bao gồm sự kết nối (liên kết các thành viên), cởi mở (chấp nhận những góc nhìn mới), và hiệu quả (đảm bảo sự tham gia và hành động không bị hạn chế vì bất kỳ lý do nào). Từ góc độ này, chúng ta thấy sự hiệu quả trong ươm tạo doanh nghiệp đạt được dựa trên khả năng quản trị tạo góp phần nuôi dưỡng sự công nhận một cách lành mạnh của cộng đồng về khởi nghiệp kinh doanh.

Không gian của các ranh giới thể hiện phạm vi trong đó các thành viên của các cộng đồng khác nhau tiến hành các tương tác là môi trường cho việc thương lượng và phát sinh các góc nhìn, học tập các năng lực mới và phát triển nghề nghiệp chuyên môn, trong huống này chính là phát triển năng lực quản trị của nhà khởi nghiệp. Chất lượng của không gian các ranh giới chính là hiệu quả việc kết nối giữa các cộng đồng khác nhau và được thể hiện qua tính hợp tác, minh bạch, và có thể thương lượng. Dựa trên lý thuyết học tập theo tình huống, các nhà nghiên cứu đã đề xuất các mối quan hệ giữa sự phát triển khởi nghiệp và học tập và phát triển sẽ được thực hiện thông qua mối quan hệ tương tác giữa nhà khởi nghiệp với các đối tác hữu quan.

  1. Kết luận và đề xuất các nghiên cứu tương lai

Vườn ươm doanh nghiệp được xem là một phương tiện phát triển hoạt động khởi nghiệp kinh doanh nhờ đó thức đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. Sự phát triển của các vườn ươm doanh nghiệp trong hơn ba thập kỷ vừa qua qua đã tạo mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong việc phát hiện những nhân tố thúc đẩy sự thành công cũng như phát triển cộng đồng kinh doanh. Bài viết này đóng góp về phương diện lý thuyết về hoạt động ươm mầm doanh nghiệp. Thứ nhất nó cung cấp một sự đánh giá về phương diện lý thuyết liên quan đến hiệu quả của vườn ươm và làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan khác. Thứ hai bài viết đề cập đến việc áp dụng lý thuyết học tập theo tình huống để giúp người đọc thấu hiểu cách thức mà hoạt động quản trị ươm tạo doanh nghiệp thúc đẩy sự phát triển các nhà khởi nghiệp và doanh nghiệp của họ. Các lý thuyết hiện tại liên quan đến vườn ươm doanh nghiệp vẫn đặt nặng vào nghiên cứu mô tả và khám phá chứ chưa đề ra một khung nghiên cứu định lượng cho việc thẩm định hiệu quả của các vườn ươm. Sự đa dạng và khác biệt trong hình thức hoạt động, sự chưa thống nhất trong các định nghĩa, và việc có hàng loạt các tiêu chuẩn đo lường hiệu quả của các vườn ươm đã gây nhiều khó khăn trong việc đánh giá những giá trị mà chúng tạo ra cho các doanh nghiệp được ươm tạo cũng nhữ sự thành công của những đơn vị này. Các lý thuyết cũng đã góp phần nhận dạng các nhân tố tạo nên sự thành công và những bài học thực tiễn giúp cải thiện kết quả hoạt động của vườn ươm cũng như chỉ ra sự dịch chuyển các hoạt động hỗ trợ từ cung cấp các tài sản hữu hình sang tài sản vô hình. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khoảng trống về lý thuyết hướng cung cấp cho chúng ta một khung phân tích về tác động của hoạt động quản trị vườn ươm đến sự phát triển hoạt động khởi nghiệp kinh doanh của các doanh nghiệp được ươm tạo.

Để giải quyết những hạn chế này, các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào những câu hỏi nghiên cứu liên quan đến những gì, như thế nào, và tại sao quy trình ươm tạo kinh doanh có thể dẫn đến những kết quả tích cực. Để giải quyết vấn đề này, mô hình lý thuyết về học tập tình huống được sử dụng nhằm tăng sự thông hiểu về cách thức tạo ra một môi trường đáp ứng các nhu cầu và nuôi dưỡng các doanh nghiệp vừa mới ra đời thông qua vườn ươm. Theo mô hình này, các nghiên cứu sắp tới nên tập trung vào việc làm thế nào để hoạt động ươm tạo doanh nghiệp có thể nuôi dưỡng môi trường tích cực cho cộng đồng thụ hưởng lợi ích từ khởi nghiệp nhờ vào đó việc học tập và phát triển khởi nghiệp kinh doanh được thực hiện. Tính logic của mô hình này có thể tóm tắt như sau: học tập và phát triển khởi nghiệp giúp xây dựng năng lực nhận dạng và khai thác các cơ hội kinh doanh trên nền tảng tiếp cận được các nguồn lực từ một cộng đồng hỗ trợ phát triển khởi nghiệp. Các năng lực tích lũy được, tiếp theo đó, sẽ được tích hợp nhằm giúp duy trì sự tồn tại, phát triển và đổi mới. Nói cách khác, sự phát triển của cộng đồng thụ hưởng những lợi ích từ khởi nghiệp sẽ có tác động dương và cùng chiều với sự thành công của doanh nghiệp và bao hàm sự gắn kết với các đối tác hữu quan như các đơn vị đào tạo, các nhà cung cấp dịch vụ tư vấn kinh doanh, và các nhà cung ứng.

___________________________________________________________

Tài liệu tham khảo

Albert, P. (1986), “Enterprise incubators – An initial diagnosis”, Revue Francaise de Gestion.

Allen, D. and Bazan, E. (1990), Value Added Contribution of Pennsylvania’s Business Incubators to Tenant Firms and Local Economies, Department of Commerce, Appalachian Regional Commission and the Pennsylvania State College, Pennsylvania

Allen, D.N. and McCluskey, R. (1990), “Structure, policy, services, and performance in the business incubator industry”, Entrepreneurship: Theory and Practice, Vol. 15 No. 2, pp. 61-77.

Allen, D.N. and Rahman, S. (1985), “Small business incubators: a positive environment for entrepreneurship”, Journal of Small Business Management, Vol. 23 No. 3, pp. 12-22

Autio, E. and Klofsten, M. (1998), “A comparative study of two European business incubators”, Journal of Small Business Management, Vol. 36 No. 1, pp. 30-43

Bergek, A. and Norrman, C. (2008), “Incubator best practice: a framework”, Technovation, Vol. 28 Nos 1/2, pp. 20-28.

Bugliarello, G. (1998), “Knowledge parks and incubators”, in Dorf, R.C. (Ed.), The Handbook of Technology Management, Vol. 1, pp. 41-49

Chan, K.F. and Lau, T. (2005), “Assessing technology incubator programs in the science park: the good, the bad and the ugly”, Technovation, Vol. 25 No. 10, pp. 1215-1228.

Dee, N.J., Livesey, F., Gill, D. and Minshall, T. (2011), Incubation for Growth: A Review of the Impact of Business Incubation on New Ventures with High Growth Potential, NESTA, London.

Eshun, J.P. (2009), “Business incubation as strategy”, Business Strategy Series, Vol. 10 No. 3, pp. 156-166

Hackett, S.M. and Dilts, D.M. (2004), “A systematic review of business incubation research”, The Journal of Technology Transfer, Vol. 29 No. 1, pp. 55-82.

Hackett, S.M. and Dilts, D.M. (2008), “Inside the black box of business incubation: study B – scale assessment, model refinement, and incubation outcomes”, The Journal of Technology Transfer, Vol. 33 No. 5, pp. 439-471

Hannon, P. and Chaplin, P. (2003), “Are incubators good for business? Understanding incubation practice – the challenges for policy”, Environment and Planning C: Government and Policy, Vol. 21 No. 6, pp. 861-881

Hansson, F. (2007), “Science parks as knowledge organisations: the ‘ba’ in action?”, European Journal of Innovation Management, Vol. 10 No. 3, pp. 348-366

Hughes, M., Ireland, R.D. and Morgan, R.E. (2007), “Stimulating dynamic value: social capital and business incubation as a pathway to competitive success”, Long Range Planning, Vol. 40 No. 2, pp. 154-177.

Kang, B.-J. (2004), “A study on the establishing development model for research parks”,The Journal of Technology Transfer, Vol. 29 No. 2, pp. 203-210.

Zoltan J. Acs, William Parson, và Spencer Tracy (2008), ‘High-impact firms: Gazettes revissited” United State Small Business Administration.

Lewis, D.A., Harper-Anderson, E. and Molnar, L.A. (2011),Incubating Success Incubation Best Practice that Lead to Successful New Ventures, Institute for Research on Labor Employment, and the Economy, University of Michigan, Ann Arbor, MI.

Lumpkin, J.R. and Ireland, R.D. (1988), “Screening practices of new business incubators: the evaluation of critical success factors”, American Journal of Small Business, Vol. 12 No. 4, pp. 59-81.

McAdam, M. and Marlow, S. (2007), “Building futures or stealing secrets? Entrepreneurial cooperation and conflict within business incubators”, International Small Business Journal, Vol. 25 No. 4, pp. 361-382.

Peters, L., Rice, M. and Sundararajan, M. (2004), “The role of incubators in the entrepreneurial process”,The Journal of Technology Transfer, Vol. 29 No. 1, pp. 83-91

Phillips, R. (2002), “Technology business incubators how effective as technology transfer mechanisms?”, Technology in Society, Vol. 24 No. 3, pp. 299-316

Plosila, W.H. and Allen, D.N. (1985), “Small business incubators and public policy: implications for state and local development strategies”, Policy Studies Journal, Vol. 13 No. 4, pp. 729-734.

Reid, S. and Garnsey, E. (1997), “The growth of small high-tech-firms: destinies and destinations of innovation centre graduates”, New Technology, Work and Employment, Vol. 12 No. 2, pp. 84-90.

Smilor, R.W. and Gill, M.D. (1986), The New Business Incubator Linking Talent, Technology, Capital, and Know-how, Lexington Books, Lexington, MA

Squicciarini, M. (2009), “Science parks: seedbeds of innovation? A duration analysis of firms’ patenting activity”, Small Business Economics, Vol. 32 No. 2, pp. 169-190.

Theodorakopoulos, N., Kakabadse, Nada K., and McGowan Carmel. (2014), “What matters in business incubation? A literature review and a suggestion for situated theorising”, Journal of Small Business and Enterprise Development Vol. 21 No. 4, 2014 pp. 602-622

Wenger, E., McDermott, R. and Snyder, W.M. (2002), Cultivating Communities of Practice, Harvard Business School Press, Boston, MA.

UKBI (2012), Best Practice in Business Incubation, Business Incubation, Birmingham.

Tác giả: Nguyễn Hùng Phong – Nguyễn Quốc Thịnh – Phan Ngọc Anh