Tác giả: Nguyễn Hùng Phong – Nguyễn Thiện Duy – Lê Việt Hưng
Tóm tắt
– Mục đích: Nhận dạng bản chất của năng lực khởi nghiệp là thuộc tính bẩm sinh hay hình thành qua quá trình đào tạo và học tập.
– Phương pháp: Thực hiện phân tích tổng hợp dựa trên các nghiên cứu trước đây liên quan đến các cách tiếp cận về khởi nghiệp và năng lực khởi nghiệp.
– Phát hiện: Năng lực khởi nghiệp chủ yếu được hình thành thông qua đào tạo và học tập từ các trải nghiệm trong thực và hoạt động đào tạo khởi nghiệp có tác động trực tiếp đến hành vi trong khởi nghiệp nhưng chỉ tác động gián tiếp đến kết quả hoạt động thông qua các biến trung gian khác.
– Giá trị: Cung cấp một khuôn khổ cho việc thiết kế các chương trình đào tạo trong lĩnh vực khởi nghiệp kinh doanh.
– Các từ then chốt: Tiếp cận về năng lực khởi nghiệp, tiếp cận theo chức năng, theo phẩm chất cá nhân của nhà khởi nghiệp, theo hành vi, theo học tập năng động, quá trình, và cơ hội kinh doanh, học tập từ trải nghiệm, năng lực nội sinh.
– Loại bài viết: Tóm lược lý thuyết
- Các cách tiếp cận về khởi nghiệp kinh doanh
Một trong những câu hỏi thường được đặt ra khi đề cập đến vấn đề khởi nghiệp đó là năng lực khởi nghiệp hình thành từ bẩm sinh hay tự đào tạo. Sáu cách tiếp cận về khởi nghiệp kinh doanh đã hình thành nhằm giải quyết câu hỏi này. Cách tiếp cận thứ nhất liên quan đến các chức năng khởi nghiệp (entrepreneurial function). Theo cách tiếp cận này, các nhà nghiên cứu tìm cách khái quát hóa các khái niệm liên quan đến sự tương tác của nhà khởi nghiệp với môi trường hay đề cập đến những việc mà nhà khởi nghiệp phải thực hiện (Casson 1982).
Cách tiếp cận thứ hai đi sâu vào những phẩm chất cá nhân của nhà khởi nghiệp. Những phẩm chất tiêu biểu được đề cập bao gồm động cơ thành tựu, tiêu điểm tập trung nội tại, chấp nhận rủi ro, và năng lực nội sinh. Cách tiếp cận này cũng bị nhiều phê phán vì nó không cho thấy những gì mà các cá nhân phát triển, học tập, và thay đổi trong quá trình họ thực hiện các hoạt động khởi n ghiệp kinh doanh. Tuy nhiên cách tiế cận theo phẩm chất cá nhân của nhà khởi nghiệp cho đến giờ vẫn được sử dụng trong nhiều nghiên cứu khi bổ sung thêm những vấn đề như hành vi, kỹ năng, và năng lực của nhà khởi nghiệp bên cạnh yếu tố phẩm chất cá nhân (Chell, 2008). Trên nền tảng của sự bổ sung này, Gibb (2005) đã nêu ra mô hình đặc trưng của nhà khởi nghiệp trong đó các giá trị khởi nghiệp (entrepreneurial values) được nhấn mạnh. Các giá trị này song hành với cách thức tổ chức, thực hiện, các cảm nhận, truyền thông, thấu hiểu, tư duy, và học tập mọi việc. Những giá trị cụ thể được ông đưa ra bao gồm: (1) định hướng mạnh về sự độc lập; (2) không đặt niềm tin vào tính hành chính-quan liêu; (3) sự tự tin; (4) định hướng mạnh về việc làm chủ; (4) niềm tin vào thành tựu sẽ đến từ các nỗ lực; (5) sự cần cù giúp đạt kết quả; (6) niềm tin vào khả năng làm cho mọi việc trở thành hiện thực; (7) định hướng vào hành động; (8) tin vào các thỏa thuận phi chính thức; (9) tin tường vào giá trị của sự trung thực và bí quyết; (10) sự tự do trong hành động là động lực lớn.
Cách tiếp cận nêu trên dù có những đóng góp tích cực cho việc nghiên cứu về khởi nghiệp kinh doanh nhưng cũng bị phê phán ở tính trừu tượng, khó đo lường cũng như có sự lẫn lộn giữa giá trị và các khái niệm khác như hành vi, do đó nhiều nhà nghiên cứu khác đề xuất cách tiếp cận theo hành vi khởi nghiệp (Low và Macmillan, 1988; Cope, 2005). Các tác giả theo trường phái hành vi khởi nghiệp cho rằng các đặc trưng cá nhân của nghiệp chủ xuất phát từ hành vi và họ nhấn mạnh đến “những gì nhà quản trị làm” hơn là tìm cách xác định “họ là ai”. Nguyên tắc cơ bản của cách tiếp cận này hướng đến việc giải thích các chức năng, hoạt động, và hành động mà nhà khởi nghiệp thực hiện trong quá trình nhận dạng cơ hội kinh doanh và tiến hành thiết lập tổ chức để khai thác cơ hội này (Bygrave và Hofer, 1991). Gibb (2005) một lần nữa đề xuất các hành vi của một nhà khởi nghiệp sẽ bao gồm: (1) tìm kiếm cơ hội kinh doanh; (2) thực hiện các sáng kiến khởi xướng; (3) đề cáo tính tự chủ; (4) ra quyết định dựa trên trực giác; (5) có năng lực kết nối mạng lưới tương tác; (6) tư duy chiến lược; (7) có khả năng thương lượng; (8) định hướng vào thành quả; (9) chấp nhận rủi ro; (10) có khả năng thuyết phục.
Mặc dù cách tiếp cận theo hành vi có ưu điểm trong việc kết hợp giữa hành vi khởi nghiệp với những tác động từ môi trường, nhưng nó thất bại trong việc đề cập đến khả năng học tập và điều chỉnh để thích ứng của các nhà khởi nghiệp (Cope, 2005). Do đó cách tiếp cận học tập năng động (dynamic learning perspective) đã được đề xuất. Cách tiếp cận này vượt ra khỏi ranh giới của giai đoạn khởi sự (start-up) mà nhấn mạnh đến quá trình học tập và điều chỉnh thích ứng trong suốt đời sống của doanh nghiệp vừa khởi sự. Kết quả của quá trình này tạo nên các năng lực của nhà khởi nghiệp (conpetencies). Dựa trên đề xuất của nhiều nhà nghiên cứu theo cách tiếp cận này, các năng lực đó bao gồm: (1) tìm kiếm ý tưởng; (2) đánh giá ý tưởng; (3) nhìn nhận vấn đề như là một cơ hội; (4) nhận dạng những con người quan trọng có tác động đến bất kỳ sự phát triển nào đó; (5) hình thành bí quyết; (6) học tập từ những con người và các mối quan hệ; (7) đánh giá nhu cầu phát triển kinh doanh; (8) biết được những nơi có thể tìm kiếm câu trả lởi cho các vấn đề; (9) cải thiện năng lực tự nhận thức, quản trị mối quan hệ; (10) liên tục nhìn nhận bản thân và doanh nghiệp của mình từ góc nhìn của khách hàng và các đối tác hữu quan.
Cuối cùng hai cách tiếp cận còn lại cho rằng khởi nghiệp doanh là quá trình tạo ra doanh nghiệp mới (Gartner, 1988) và khởi nghiệp kinh doanh là quá trình nhận dạng, đánh giá, và khai thác cơ hội kinh doanh (Shane và Venkataraman, 2000). Hai cách tiếp cận sau cùng này hầu như chỉ xem xét đến những bước ban đầu của quy trình khởi nghiệp chứ chưa nhìn toàn diện đời sống của doanh nghiẹp sau khi khởi sự.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp kinh doanh
Tổng hợp tất cả các cách tiếp cận nêu trên, Chell (2008) đề cập đến một số lĩnh vực có ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp kinh doanh: (1) nền tảng văn hóa – xã hội và hoạt động khởi nghiệp; (2) các phẩm chất cá nhân của nhà khởi nghiệp; (3) các loại kiến thức mà nhà khởi nghiệp cần; (4) học tập từ các trải nghiệm; và (5) hình thành năng lực nội sinh (self-efficacy)
2.1 Nền tảng văn hóa xả hội và hoạt động khởi nghiệp. Các nghiên cứu đã chỉ ra mức độ và tỷ lệ gia tăng số lượng các doanh nghiệp khởi sự khác nhau ở mỗi nước có các mức độ phát triển kinh tế khác nhau (Bosma và các cộng sự, 2008). Điều này được cho rằng xuất phát từ sự chênh lệch về tỷ lệ lao động có việc làm tại từng quốc gia. Các quốc gia đang phát triển có mức độ khởi nghiệp kinh doanh cao hơn quốc gia đã phát triển phần nào do tỷ lệ lao động có việc làm ở những quốc gia này thấp hơn so với nhóm quốc gia còn lại. Chính sự chênh lệch đó đã tạo ra động lực về sự cần thiết khởi nghiệp để trở thành người tự tạo công việc cho mình (Rosa và các cộng sự, 2006). Tuy nhiên có những lập luận khác cho rằng điều này chưa thật sự là tác nhân chính vì những quốc gia có trình độ và mức độ phát triển cao như Hoa Kỳ vẫn có tỷ lệ và mức độ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cao (Zoltan và các cộng sự, 2008). Vậy thì yếu tố nào đã tác động đến sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp? Câu trả lời có thể là văn hóa. Có lẽ một số nền văn hóa có thái độ tích cự trước hành vi khởi nghiệp kinh doanh nhưng cũng có những chứng cứ cho rằng lập luận này chưa vững chắc (Tan, 2002). Mặt khác có nhà nghiên cứu (Mitchell và các cộng sự, 2002) phát hiện ra thái độ khuyến khích khởi nghiệp hiện đang là một yếu tố có tính chất phổ quát (universal) trong các nền văn hóa khác nhau. Giáo dục có thể là một yếu tố tác động đến mức độ phát triển các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh. Các nghiên cứu đã chỉ ra những người có trình độ giáo dục cao hơn tại những quốc gia đã phát triển thường có khuynh hướng tự tạo ra công việc cho mình (Robinson và Sexton, 2002; Harding, 2007). Vấn đề giới tính cũng là một yếu tố tạo nên sự khác biệt trong hoạt động khởi nghiệp. Nghiên cứu đã phát hiện tuy tỷ lệ nữ nghiệp chủ còn thấp hơn so với nam giới nhưng khoảng cách này đang được thu hẹp dần. Tuy nhiên các nữ nghiệp chủ thường tạo lập và điều hành những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, ít tăng trưởng hơn, và tập trung vào lĩnh vực dịch vụ bán lẽ so với nam nghiệp chủ (Morris và các cộng sự, 2006). Tất cả những lập luận nêu trên cho thấy sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp kinh doanh chịu ảnh hưởng của bối cảnh văn hóa-xã hội.
2.2 Các phẩm chất đặc trưng của nhà khởi nghiệp. Cách tiếp cận về phẩm chất cá nhân của nhà khởi nghiệp xuất phát từ việc quan sát nhà khởi nghiệp và hành vi của họ. Hàng loạt các phẩm chất cá nhân song hành với những nhà khởi nghiệp đã được được ra nhưng chúng có thể được phân thành 5 loại chủ yếu (Caird, 1991; và Ward, 2004): (1) Nhu cầu thành tựu; (2) tiêu điểm tập trung nội tại hay bên ngoài; (3) chấp nhận rủi ro; (4) khuynh hướng sáng tạo; và (5) sự tự chủ. Cách tiếp cận theo các phẩm chất đặc trưng của nghiệp chủ chỉ cung cấp một bức ảnh tức thì và ở trạng thái tỉnh chứ không nhìn nhận khởi nghiệp là một quá trình tạo ra giá trị nhờ vào sự điều chỉnh thích hợp bởi nhà khởi nghiệp.
2.3 Các loại kiến thức mà nhà khởi nghiệp cần. Nếu chúng ta công nhận hoạt động khởi nghiệp có thể phát triển thông qua đào tạo thì vấn đề đặt ra tiếp theo chính là những nghiệp chủ cần học những gì? Cần thấu hiểu những điều nào? Và vận dụng chúng trong thực tế như thế nào. Các loại kiến thức đó có thể được phân thành các nhóm sau đây:
- Các kiến thức tổng quát về kinh doanh và lập kế hoạch kinh doanh (integrated business knowledge): nhóm kiến thức nào bao quát và tích hợp những kiến thức lý thuyết trong quản trị kinh doanh. Nó đề cập đến các khía cạnh như hình thành và thẩm định ý tưởng kinh doanh, phân tích thị trường, dự báo sản phẩm, dự kiến phí tổn và dòng tiền, tiến hành chương trình marketing, và nhiều khía cạnh khác trong lĩnh vực quản trị kinh doanh. Tuy nhiên việc nhấn mạnh đảo tạo những kiến thức này quá mức có thể dẫn đến những hạn chế như kém tính năng động trong bối cảnh môi trường thay đổi, nhấn mạnh quá mức vào tính khả thi tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư hay tài trợ, và cuối cùng chính là sự quá lạc quan.
- Các kiến thức về ngành và khách hàng (Industry and customer knowledge). Để có thể tích hợp các kiến thức cơ bản trong ngành quản trị kinh doanh vào bản kế hoạch kinh doanh, nhà khởi nghiệp cần thấu hiểu các vấn đề thực tế liên quan đến ngành mà họ hoạt động cũng như các dạng khách hàng cụ thể mà họ phục vụ. Nắm bắt tốt các kiến thức về ngành tạo ra nhiều cơ hội cho nhà khởi nghiệp thực hiện các hoạt động sáng tạo và đổi mới. Họ cần thấu hiểu quy mô và số lượng các nhà cung ứng, khách hàng, và các nhà sản xuất trong ngành; nắm bắt các thông tin liên quan đến các ràng buộc về luật pháp, quy định của Nhà nước, và chuẩn mực ràng buộc của xã hội; nhạy bén trong việc tìm hiểu các công nghệ mới và sự thay đổi về công nghệ; đồng thời phải biết được sự đa dạng của các sản phẩm và dịch vụ trong ngành. Bên cạnh các kiến thức về ngành, các nghiệp chủ cần có kiến thức sâu rộng về hành vi của khách hàng, các nhu cầu chưa được đáp ứng của họ. Những kiến thức này đến từ nhiều nguồn khác nhau như học tập và thông qua những trải nghiệm thực tế.
- Các mô hình kinh doanh (Business model). Bất cứ một doanh nghiệp nào đều có một hệ thống vận hành hay cách tiếp cận với con đường tồn tại và tăng trưởng. Mô hình kinh doanh được xem là một phương tiện tạo nên giá trị từ một cơ hội cụ thể. Các mô hình kinh doanh cụ thể như nhượng quyền kinh doanh, thương mại điện tử, kinh doanh theo hộ gia đình, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ dựa trên các ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động thông minh, và nhiều lĩnh vực khác là những kiến thức không thể thiếu cho những nhà khởi nghiệp.
- Khả năng tương tác theo mạng lưới (Networking). Một trong những lĩnh vực kiến thức ít mang tính lý thuyết và ít tính rõ ràng chính là khả năng tương tác theo mạng lưới có hiệu quả. Thông qua sự tương tác có hiệu quả này, nhà khởi nghiệp có thể gặp gỡ và thiết lập mối quan hệ có hiệu quả với các đối tác, người lao động, khách hàng, và các nhà bảo trợ để tìm và đưa những nguồn lực về cho doanh nghiệp vừa mới hình thành. Khả năng này một khi được thực hiện thuần thục nó biến thành các kỹ năng.
- Nhận dạng cơ hội kinh doanh (opportunity recognition). Nhận dạng cơ hội kinh doanh là điểm khởi đầu cho hoạt động khởi nghiệp (Politis, 2005). Nhận dạng nhu cầu sắp và đang hình thành trên thị trường và tìm cách thức khai thác chúng đòi hỏi những kiến thức có liên quan. Những kiến thức này phần nào đến từ lý thuyết nhưng chúng cũng đến từ những kinh nghiệm trong việc tiếp cận và đánh giá các cơ hội trước đó. Các kiến thức hình thành năng lực tư duy của nhà khởi nghiệp bao gồm năng lực tư duy, phân tích, hợp tác, tạo xúc tác, và tương tác môi trường (Thompson, 1999)
2.4 Học tập từ trải nghiệm (Experiantial learning). Một trong những khía cạnh rất thú vị của hoạt động khởi nghiệp đó chính là việc học tập từ những trải nghiệm. Các nhà khởi nghiệp thường khởi động rất nhiều dự án kinh doanh trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình và có thể học tập được nhiều điều từ sự thành công hay thất bại của mình. Khả năng nhận dạng những gì đúng hay sai và tại như vậy là nguồn để hình thành kiến thức thông qua trải nghiệm. Lý thuyết học tập từ trải nghiệm (Kolb và các cộng sự, 2000) cho rằng học tập diễn ra khi các trải nghiệm được chuyển hóa thành kiến thức. Hai phương tiện để có được trải nghiệm bao gồm các kinh nghiệm thực tế (concrete experience) khi tiến hành công việc cụ thể có liên quan và khái quát hóa chúng thành các khái niệm trừu tượng (abstract conceptualisation). Các kinh nghiệm thực tế được khái quát hóa thành cách khái niệm trừu tượng thông qua quan sát có suy ngẫm (reflective observation); đến lượt nó các khái niệm trừu tượng này sẽ được thử nghiệm chủ động (active experimentation) để chuyển hóa thành kiến thức; và quy trình này sẽ được lập lại theo một chu trình khép kín. Bên cạnh hoạt động học tập từ trải nghiệm, các nghiệp chủ cũng có thể học tập từ những nhà khởi nghiệp khác thông qua mạng lưới quan hệ giữa các chủ doanh nghiệp. Cách thức học tập này thường gọi là học tập từ những người đồng đẳng (Peer learning).
2.5 Năng lực nội sinh (Self-efficacy). Cách tiếp cận theo phẩm chất cá nhân của nhà khởi nghiệp bị nhiều phê phán do nó không thể hiện được khả năng phát triển nghề nghiệp của nhà khởi nghiệp thông qua học tập. Ngược lai cách tiếp cận học tập từ trải nghiệm lại quá nhấn mạnh kiến thức có được từ kinh nghiệm trng khi lãng quên phong cách học tập định hướng về hành động (action-oriented learning). Chính vì vậy khái niệm năng lực nội sinh đã kết hợp cả hai cách tiếp cận này thông qua khái niệm năng lực nội sinh (Bandura, 1997). Khái niệm này thể hiện sự liên kết giữa tâm lý với hành động. Điểm khởi đầu cho việc hình thành năng lực nội sinh đòi hỏi con người phải có được các khả năng sau: (1) hình tượng hóa mọi việc (symbolize); (2) học tập từ người khác; (3) dự đoán trước những điều sẽ xảy ra và phát triển các chiến lược để xử lý chúng; (4) tự kiểm soát xem mình có đi đúng lộ trình hay không; và (5) suy ngẫm từ các trải nghiệm. Một con người sẽ có năng lực nội sinh một khi họ tin rằng họ có khả năng làm những điều để hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
- Mối quan hệ giữa đào tạo khởi nghiệp và các khía cạnh của khởi nghiệp kinh doanh
Xuất phát từ các nhận định năng lực kiến thức, tư duy, và kỹ năng của nhà quản trị có thể hình thành từ hoạt động đào tạo bên cạnh những yếu tố thuộc về phẩm chất cá nhân. Hoạt động đào tạo khởi nghiệp cần giải quyết các vấn đề như cấp độ hay hình thức đào tạo, các kết quả mong đợi, các môn học nào cần được thiết kế để đạt kết quả mong đợi, và phương thức đánh giá (Pittaway và các cộng sự 2012).
Bất kỳ một cấp độ hay hình thức đào tạo nào cũng cần giải quyết các vấn đề như: đào tạo những gì, cho ai, và thông qua cách thức nào (Gibb, 2002 và Pittaway, 2012). Đào tạo những gì được thúc đẩy bởi mong muốn truyền đạt các kiến thức cần thiết theo các chủ đề cho nhà khởi nghiệp. Cách tiếp cận “cho ai” đòi hỏi phải gắn kết người học với các nhiệm vụ, hoạt động, và dự án để họ có thể nắm bắt những năng lực và kỹ năng cần thiết. Giải quyết câu hỏi “thông qua cách thức nào” liên quan đến việc đưa người học hội nhập vào các ngữ cảnh thực trong đời sống khởi nghiệp (Solomon và các cộng sự, 2002; Gibb, 2002). Cuối cùng ba vấn đề trên được gắn kết với các kết quả mong đợi (Solomon và các cộng sự, 2002; Handscombe và các cộng sự, 2007).
Các kết quả mong đợi thường nhấn mạnh đến các yêu cầu đối với học viên như sau : (1) thấu hiểu các quy trình kinh doanh; (2) có những kiến thức tối thiểu về khởi sự kinh doanh; (3) hình thành các kỹ năng và hành vi khởi nghiệp; (4) hình thành năng lực khởi nghiệp; (5) hội nhập vào đời sống thực của nhà khởi nghiệp; (6) phát triển các giá trị cốt lõi gắn kết với nhà khởi nghiệp; (7) có động lực trở thành nhà khởi nghiệp.
Dựa trên các kết quả mong đợi, các lĩnh vực đào tạo chuyên ngành cho nhà khởi nghiệp được thiết kế nhằm đáp ứng tất cả những kết quả mong đợi nêu trên. Cuối cùng, việc xác định hình thức đánh giá sẽ được quyết định tương thích với các kết quả mong đợi. Tất cả mối quan hệ liên kết nêu trên được thể hiện theo quy trình ở sơ đồ 1.
Nghiên cứu hoạt động đào tạo khởi nghiệp theo các hình thức phù hợp cho các đối tượng tham gia khác nhau có một ý nghĩa thực tế rất lớn khi những nghiên cứu trước đây đã phát hiện rằng hoạt động đào tạo có mối quan hệ dương và cùng chiều với thực tiễn quản trị và đến lượt nó yếu tố này tạo ra tăng trưởng và mức sinh lợi của công ty cao hơn (Aderemi A. A, 2007). Mặt khác việc thiết kế tốt các chương trình đào tạo cũng làm đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các ý tưởng trong hoạt động khởi nghiệp (Johnson Debra và các cộng sự, 2006) và có tác động tích cực đến các khía cạnh của kết quả kinh doanh (Doris Gomezelj Omerze và các cộng sự, 2008). Hơn thế nữa đào tạo cũng tác động đến quyết định khởi nghiệm kinh doanh thông qua năng lực nội sinh (De Tienne và Chandler, 2004) hay tác động đến các khía cạnh của hành vi có hoạch định, từ đó ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp (Heuer Annamária và Kolvereid Lars, 2013).
- Kết luận
Hầu hết các cách tiếp cận về khởi nghiệp kinh doanh cho cho thấy năng lực của nhà khởi nghiệp không phải bẩm sinh mà được hình thành thông qua quá trình đào tạo và học tập (ngoại trừ cách tiếp cận theo phẩm chất cá nhân của nhà lãnh đạo). Nhưng vấn đề đặt ra là nên đào tạo những gì? Để giải quyết câu hỏi này Chell (2008) đã đề xuất các loại kiến thức cần thiết cho một nhà khởi nghiệp bao gồm: các kiến thức tổng quát về kinh doanh, ngành và khách hàng, mô hình kinh doanh, các kỹ năng tương tác theo mạng lưới, năng lực về tư duy kinh doanh, và cuối cùng là năng lực nội sinh. Tất cả những yếu tố này đểu được hình thành thông qua học tập từ các chương trình đào tạo khởi nghiệp và từ các trải nghiệm trong thực tiễn. Các chương trình đào tạo chỉ có hiệu quả một khi nó thích ứng với hình thức đào tạo, kết nối giữa các mục tiêu của những hình thức đào tạo này với kết quả học tập mong đợi. Trên nền tảng của ba yếu tố nêu trên, các nội dung của các học phần mô học sẽ được thiết kế tương thích và được đánh giá theo cả hai hình thức thường xuyên và định kỳ. Giá trị của đào tạo khởi nghiệm kinh doanh được khẳng định bời các nghiên cứu trước đây do mối liên hệ gián tiếp của nó đến kết quả hoạt động của các đơn vị kinh doanh hình thành sau khi khởi sự. Mặt khác nó có quan hệ tác động tích cực và trực tiếp đến một số dạng hành vi và thực tiễn quản trị, là những tố đóng vai trò biến trung gian giúp cho hoạt động đào tạo khởi nghiệp tác động đến các khía cạnh của khởi nghiệp kinh doanh.
______________________________________________________
Tài liệu tham khảo
Aderemi, A. A. (2007), “Entrepreneurship programs, operational efficiency and growth of small businesses” Journal of Enterprising Communities: People and Places in the Global Economy. Vol. 1 No. 3, pp. 222-23.
Bygrave, W. and Hofer, C.W, (1991)“Theorising about entrepreneurship”, Entrepreneurship Theory and Practice, Vol.15 No.5, pp.13-22.
Bandura, A. (1997), Self-efficacy: The exercise of control, WH Freeman, New York.
Bosma, N., Jones, K., Autio, E., and Levie, J. (2008), Global Entrepreneurship Monitor 2007 Executive Report, Bason Park, London.
Caird, S. (1991), “Reseach on the enterprising tendency of occupational groups”, International Journal of Small Business, Vol.9, No.4,pp.75-82.
Casson, M.C. (1982) The Entrepreneur: An Economic Theory, Martin Robertson, London.
Chell, E. (2008) The Entrepreneurial Personality, 2nd, Routledge, London.
Doris Gomezelj Omerzel and Bosˇtjan Antoncˇic (2008), “Critical entrepreneur knowledge dimensions for the SME performance”, Industrial Management & Data Systems, Vol. 108 No. 9, pp. 1182-1199
Cope, J. (2005), “Toward a dynamic learning perspective of entrepreneurship”, Entrepreneurship Theory and Practice, pp. 373-397.
Gartner, W.B. (1988) “Who is an entrepreneur is the wrong question”, American Small Business Journal, Spring, pp.11-31
Gibb, A. (2002), “In pursuit of a new enterprise and entrepreneurship paradigm for learning: creative destruction, new values, new ways of doing things and new combinations of knowledge”, International Journal of Management Reviews, Vol. 4 No. 3, pp. 213-32
Gibb, A.A. (2005), “Towards the Entrepreneurial University Entrepreneurship Education as a Lever for Change”, National Council for Graduate Entrepreneurship Policy Paper 3.
Handscombe, R., Kothari, S., Rodriguez-Falcon, E. and Patterso, E. (2007), “Embedding
enterprise in science and engineering departments”, Working Paper No. 025/2007, National Council for Graduate Entrepreneurship (NCGE), Birmingham
Heuer Annamária và Kolvereid Lars. (2013), “Education in entrepreneurship and the Theory of Planned Behaviour”, European Journal of Training and Development, Vol. 38 No. 6, pp. 506-523
Johnson, D., et al.(2007), “Entrepreneurship education: towards a discipline-based framework”, Journal of Management Development Vol. 25 No. 1, 2006, pp. 40-54
Harding, R. (2007) Global Entrepreneurship Mnitor 2007 UK Report, London Business School and Babson.
Kolb, D.A., Boyatzis, R.A., and Mainemellis, C. (2000) Experiential Learning Theory: Previous research and new direction, Lawrence Erlbaum, New Jersey
Low, M. and Macmillan, I. (1988), “Entrepreneurship: Past research and future challenges”, Journal of Management, Vol.39, pp.139-161.
Mitchell et al., (2002), Are entrepreneurial cognitions universal? Assessing entrepreneurial cognition across culture, Entrepreneurship Theory and Practice, Vol.26, No.4, pp.9-33.
Morris, M.H., Nola, M.N., Craig, W.E., and Coombes, S.M. (2006), The dilema of growth: Understanding venture size choices of women entrepreneurs, Journal of Small Business Management, Vol.44, No.2, pp. 221-244.
Pittaway Luke and Edwards Corina (2012), Assessment: examining practice in entrepreneurship education, Journal of Education and Training, Vol.54 No.8/9, pp. 778-800.
Politis, D. (2005), The process of entrepreneurial learning: A conceptual framework, Entrepreneurship: Theory and Practice, Vol.29 No.4, pp.399-424.
Rosa, P., Kodithuwakku, S., and Balunywa, W. (2006), Reassessing Necessity Entrepreneurship in Developing Countries, Cardiff: Institute for Small Business & Entrepreneurship Annual Conference.
Robinson, P.B., and Sexton, E.A. (2002) The effect of education and experience on self-employment success, Journal of Business Venturing, Vol.9 No.2, pp.141-156.
Shane, S. and Venkataraman, S. (2000), “The promise of entrepreneurship as a field of research”, Academy of Management Review, Vol.25, No.1, pp. 217-226.
Solomon, G.T., Duffy, S. and Tarabishy, A. (2002), “The state of entrepreneurship education in the United States: a national survey overview”,International Journal of Entrepreneurship Education, Vol. 1 No. 1, pp. 65-86.
Tan, J. (2002) Culture, nation, and entrepreneurial strategic orientation: Implications for emerging economy, Entrepreneurship Theory and Practice, Vol.26, No.4, pp.95-112.
Thompson, J.L. (1999) The world of the entrepreneur: A new perspective, Journal of Workplace Learning: Employee Counselling Today, Vol.11 No.6, pp.209-224
Zoltan J. Acs, William Parsons, and Spencer Tracy (2008), “High-impact Firms: Gazettes Revisited”, Office of Advocacy, United State Small Business Administration.
Ward, T.B. (2004), “Cognition, creativity and entrepreneurship”, Journal of Business Venturing, Vol.19 No.2, pp.173-218.