Sự phồn thịnh của một quốc gia khởi nguồn từ tinh thần làm chủ của công dân trên quốc gia đó. Tinh thần làm chủ của mỗi con người cần được kiến tạo từ thời thơ ấu tại gia đình, bồi đắp, phát triển trong suốt quá trình học tập ở nhà trường và hoạt động thực tiễn ngoài xã hội. Khi tinh thần lên đến cao trào sẽ chuyển hoá thành hành động khởi sự và phát triển sự nghiệp làm chủ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, góp phần kiến tạo nền văn minh tiến bộ của quốc gia.
Vì lẽ đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng đến xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng trang bị cho học sinh nguyên lý kinh tế học, kinh doanh gắn với các hoạt động thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho giới trẻ nhận thức được sự nghiệp làm chủ từ rất sớm. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách thường hướng đến khuyến khích khởi sự doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, hệ thống giáo dục chưa thật sự chú trọng đến khơi dậy tinh thần làm chủ cho thế hệ trẻ. Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học chưa được trang bị những nguyên lý cơ bản và tiếp cận thực tiễn về quy luật kinh tế học và kinh doanh, nên phần lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học chưa có ý niệm như thế nào là sự nghiệp làm chủ.
Hơn nữa, các chương trình đào tạo thường hướng sinh viên trang bị kiến thức và động cơ để trở thành người làm thuê. Trong khi đó tinh thần làm chủ được khởi nguồn từ những con người lăn lộn thực tiễn, ít có cơ hội học hành. Điều này dẫn đến thực trạng là phần lớn những người khởi sự doanh nghiệp ở Việt Nam có trình độ học vấn thấp, còn đối với những người lẽ ra cơ hội khởi sự kinh doanh thành công lớn với trình độ cao hơn lại hướng đến việc đi làm thuê.
Mặt khác, cơ chế pháp lý cho việc khởi sự doanh nghiệp ở Việt Nam rất hạn chế, các thủ tục hành chính thường rườm rà, sự quấy nhiễu (để được đút lót) của một bộ phận không nhỏ quan chức trong bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương thường gây ra sự bất mãn, nản chí đối với nhiều người khởi sự doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế đang có dấu hiệu phát triển thiếu bền vững, khu vực kinh tế nhà nước đã bộc lộ sự kém hiệu quả, đóng góp của doanh nghiệp FDI vào quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế nước nhà còn nhiều vấn đề phải xử lý.
Đã đến lúc các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế nên trọng tâm vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước với tiền đề quan trọng là phải khơi dậy tinh thần làm chủ cho công dân Việt Nam thông qua cải cách hệ thống giáo dục, trong đó có chương trình sách giáo khoa theo hướng gắn với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, đồng thời cải cách thể chế theo hướng giảm thủ tục, tránh sách nhiễu, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình khởi sự doanh nghiệp.
Nếu không làm được như vậy thì sự giàu có, phồn vinh chỉ mãi mãi là tiềm năng.
TS. Huỳnh Thanh Điền